bih.button.backtotop.text

Nurse Navigator

“Khi bệnh nhân được chẩn đoán là mình mắc bệnh ung thư, cảm giác của họ giống như sắp chết đuối. Chúng ta cần phải có cái gì đó để họ bám lấy và kéo họ lên khỏi mặt nước.” Tôi luôn coi lợi ích của bệnh nhân là điều quan trọng hàng đầu, và chăm sóc toàn diện: cả cơ thể, tâm lý, và tinh thần, để mọi vấn đề của bệnh nhân đều được giải quyết một cách nhanh nhất và tốt nhất.

 “Khi bệnh nhân được chẩn đoán là mình mắc bệnh ung thư, cảm giác của họ giống như sắp chết đuối. Chúng ta cần phải có cái gì đó để họ bám lấy và kéo họ lên khỏi mặt nước.” Đó là nhiệm vụ quan trọng của chị Mam Natdatha Sooktua, điều dưỡng viên thường trực tại Trung tâm Ung thư Horizon, Bệnh viện Bumrungrad.

nurse-navigator.jpg
 
          Trong công việc hàng ngày, điều dưỡng viên luôn phải đối mặt với những thách thức và cảm giác hồi hộp, do phải tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, mỗi người là một trường hợp khác nhau. Nhưng với hơn 13 năm kinh nghiệm làm việc, chị Mam vẫn có thể xử lý và điều phối tốt công việc giữa các bộ phận, để việc điều trị cho bệnh nhân luôn được thực hiện tốt. “Khi tôi ngủ dậy, tôi luôn nghĩ là hôm nay dù có vấn đề gì, gặp trường hợp bệnh nhân khó khăn hay phức tạp như thế nào thì tôi cũng sẽ thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất, và sẽ cảm thấy vui mỗi khi thấy bệnh nhân nhận được sự điều trị nhanh chóng và chính xác. Điều này giống như nguồn nuôi dưỡng tâm lý, tạo ra cảm hứng cho mỗi ngày làm việc.”

Nhiệm vụ chính của Điều dưỡng viên
          Nhiệm vụ của chị Mam giống như một công việc bình thường, tức là liên hệ, phối hợp công việc và giao tiếp với các cá nhân là chính. Nhưng trên thực tế, đây là một nhiệm vụ quan trọng tại Trung tâm Ung thư Horizon. Bởi vì khi bệnh nhân được chuyển tới Trung tâm, phần lớn họ sẽ có tâm trạng buồn bã, chán nản, hết hi vọng với căn bệnh mình mắc phải, và không biết phải sống tiếp như thế nào. Chị Mam có nhiệm vụ chăm sóc những trường hợp này. “Hơn 60% bệnh nhân khi biết mình mắc bệnh ung thư sẽ cảm thấy đau đớn, người nhiều người ít, nhưng thường sẽ không biết phải làm gì. Khi tôi tiếp nhận bệnh nhân, tôi sẽ thực hiện nhiệm vụ chăm sóc họ tốt nhất có thể”, chị Mam nói. “Với mọi trường hợp bệnh nhân, tôi luôn coi lợi ích của bệnh nhân là điều quan trọng hàng đầu, và chăm sóc toàn diện: cả cơ thể, tâm lý, và tinh thần. Đối với chăm sóc cơ thể, mình phải liên hệ phối hợp công việc một cách tốt nhất, nhanh nhất. Chẳng hạn, nếu người bệnh phải làm hoá trị thì mình phải liên hệ với bác sĩ ở bộ phận hoá trị liệu, hay khi người bệnh không ăn được gì thì mình phải liên hệ với chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn và mời họ tham gia chăm sóc. Mình phải xem xét ai là người có thể giải quyết vấn đề cho người bệnh nhanh nhất, thì mình phối hợp làm việc với người đó”.
 
          “Về phần tâm lý cũng quan trọng như thế. Vì để tình trạng của người bệnh tốt lên thì cảm xúc, tâm lý của họ rất quan trọng. Mình sẽ trò chuyện, tư vấn và xây dựng mối quan hệ tốt với họ, để người bệnh cảm thấy giải toả, và thấy có người ở bên cạnh họ thực sự. Cuối cùng là về mặt tinh thần. Chuyện này rất quan trọng. Chẳng hạn, một số bệnh nhân là người Ả rập, rất nghiêm ngặt về mặt tôn giáo, tôn kính Thượng đế. Khi mình liên hệ với họ trong lúc họ cầu nguyện, thì mình phải chờ. Với những chuyện này mình phải thông cảm với họ”, chị Mam nói thêm.

Quản lý bệnh nhân để điều trị một cách tốt nhất
          Một vai trò quan trọng khác của Điều dưỡng viên là phối hợp công việc giữa các cá nhân, phòng ban nội bộ, và cả với các công ty nước ngoài có liên quan, chẳng hạn như điều phối những người liên quan tham gia họp Hội đồng Ung bướu đa ngành vào ngày Thứ Tư hàng tuần. Bác sĩ phụ trách sẽ đưa các ca bệnh khó ra để thảo luận, tìm phương pháp điều trị tốt nhất. Trong Hội đồng Ung bướu đa ngành có sự tham gia phối hợp của gần 30 người, như bác sĩ chẩn đoán bằng phóng xạ, chuyên gia bệnh lý học, và các y tá. Nếu cần phải gửi mẫu bệnh phẩm hay máu đi kiểm tra tại phòng Xét nghiệm phân tử tại Singapore hay Hoa Kỳ, chị Mam cũng sẽ là người liên hệ, phối hợp với những người chủ chốt của mỗi công ty, để mời họ tham gia họp.

Làm việc theo nhóm và giải quyết các vấn đề trước mắt
          “Nếu hỏi rằng nhiệm vụ nào trong Trung tâm Ung thư Horizon là quan trọng nhất, tôi cho rằng mọi nhiệm vụ đều quan trọng. Vì Trung tâm Ung thư Horizon luôn coi việc điều trị cho người bệnh là việc trước tiên. Chúng tôi làm việc theo nhóm, theo kiểu đa ngành và liền mạch. Chẳng hạn có trường hợp bệnh nhân là người nước ngoài, tôi cũng liên hệ và phối hợp với phiên dịch của bệnh nhân này. Khi bác sĩ xem phim xong, bảo liên hệ với bác sĩ hoá trị, và khi cùng thảo luận và thấy phải xạ trị, thì tôi cũng đi mời bác sĩ xạ trị về cùng bàn bạc. Cuối cùng, nếu phải có việc của bác sĩ phẫu thuật, tôi cũng phải liên hệ với bác sĩ, mời tham gia thảo luận qua điện thoại luôn lúc đó. Tôi cho rằng việc làm việc theo nhóm và nhanh chóng như thế này khó mà có trong các bệnh viện khác”, chị Mam giải thích thêm về việc làm việc theo nhóm, vốn rất quan trọng.

Sẵn lòng làm việc liên tục, dù là ngày nghỉ 
          Khi làm việc phải luôn nghĩ đến người bệnh trước tiên. Bởi vì nguyên tắc công việc của chị Mam là Dịch vụ một cửa, nên dù trong ngày nghỉ của mình, chị vẫn luôn dành thời gian cho người bệnh. “Nhiều trường hợp gọi điện tới nhờ tôi quyết định, lúc đó là thời gian nghỉ ngơi nhưng tôi cũng sẵn lòng và liên hệ, phối hợp công việc gấp. Từng có một trường hợp bệnh nhân đi ngoài và nôn ra máu, y tá chăm sóc thấy tình hình xấu, gọi điện cho tôi, tôi liền gọi điện cho bác sĩ phụ trách, rồi gọi điện cho Phòng Cấp cứu chuẩn bị phòng điều trị, vì nếu chậm trễ thì bệnh nhân có khả năng cao sẽ sốc và tử vong. Khi bệnh nhân được điều trị kịp thời, tình hình tốt lên, mình cảm thấy vui. Sự mệt mỏi không cần nói đến, nó biến mất hết, cảm thấy rất vui.”

Sự quan tâm đến từng chi tiết của bệnh nhân là điều quan trọng
          “Rất nhiều lần, người bệnh thường dùng liệu pháp thay thế hoặc phương pháp mê tín để điều trị cho bản thân, thường là lén lút làm. Nếu mình xem kết quả điều trị, mình cũng thể đoán ra được, vì kết quả điều trị thực sự nó sẽ không hiện ra như thế, nhưng người bệnh thường không nói thật cho mình biết. Tôi phải xây dựng mối quan hệ tốt với người bệnh, làm cho người bệnh nhận thấy mình là người họ có thể tin tưởng nhất. Khi họ đã tin tưởng mình, người bệnh sẽ nói ra những chuyện mà đôi khi là trở ngại trong việc điều trị. Vài trường hợp lét lút uống thuốc thảo mộc, thuốc dân gian, làm cho lượng bạch cầu suy giảm, gan gần như hỏng, hoặc dùng cần sa để tự điều trị. Họ đâu có biết hậu quả kèm theo đối với họ là như thế nào. Khi mình biết những điều này từ bệnh nhân, mình sẽ báo cáo cho bác sĩ phụ trách, để tìm cách giải quyết”.
 
          “Tôi coi người bệnh cũng giống như một người thân của mình. Khi họ ốm đau họ sẽ cáu giận và cần tìm một người để nương tựa trong khoảng thời gian khủng hoảng của cuộc đời. Vì thế mình phải thực hiện nhiệm vụ này một cách tốt nhất, điều phối giữa các bên một cách tốt nhất, để điều trị chính xác và nhanh nhất”, chị Mam nói.

Nguyên tắc làm việc quan trọng của vị trí Điều dưỡng viên
          “Mỗi ngày Mam thức dậy, Mam đều nghĩ nó là một ngày đầy thách thức. Mình luôn nghĩ: ngày hôm nay sẽ có trường hợp gì, vấn đề gì phải giải quyết, và khi hết ngày, mình sẽ ngồi nghĩ lại xem hôm nay có những việc gì xảy ra, có điều gì mình phải cải thiện không, hay có điều gì mình có thể làm tốt hơn không. Nếu hỏi là hàng ngày có mệt không với nhiệm vụ của một Điều dưỡng viên, thì thú thực là cũng mệt. Nhưng khi thấy bệnh nhân mà mình chăm sóc có tình hình tốt lên, an toàn, và nhận được sự điều trị kịp thời, thì mình cũng nhẹ nhõm trong lòng và hết mệt”.
 
For more information please contact:

Related Packages

Related Health Blogs